LỜI XÁC QUYẾT ĐÁNG NGẠI

Lời Xác Quyết Đáng Ngại

 

 

Gần đây tôi được dịp nói chuyện với một giáo sĩ của Chính Thống giáo về việc có nhóm tách rời  khỏi giáo hội. Vị giáo sĩ lịch thịệp, cởi mở, trẻ tuổi tỏ ra tân tiến và thực tế, đeo con trong cái túi trước ngực.
Khi giải thích sự khác biệt về quan điểm thần học giữa hai nhóm, anh nói quan điểm của nhóm đối nghịch là sai. Anh dùng chữ đó chắc nịch, với một niềm tin không sai chạy là mình biết rõ làm tôi quan tâm, vì tính xác quyết đáng sợ của lời. Các xác tín rằng nhóm kia sai ngụ ý là do đó, nhóm của anh chắc chắn đúng.
Mấy lúc sau này tôi không theo dõi các tôn giáo bảo thủ, mà nghiêng về cái nhìn rộng rãi của phong trào Minh Triết Thiêng Liêng, nên tôi kinh ngạc khi nghe chủ trương xác quyết như vậy, về chuyện không ở cõi vật chất mà cũng không ai rành. Giáo hội nào cũng thú nhận là có điều họ không biết, cái này hay cái kia không giải thích được, và người ta phải có lòng tin khi không thể cắt nghĩa bằng lý trí một chuyện gì đó. Thế nhưng vị giáo sĩ này khăng khăng rằng nhóm của anh đúng, và quan điểm thần học của nhóm kia sai.
Khi có thắc mắc về cuộc đời, dù là vật chất hay tâm linh, tôi để ý là lấy thí dụ trong gia đình có thể giúp ít nhiều. Nên tôi chỉ cho vị giáo sĩ trẻ tuổi là cháu nhỏ đã làm bẩn tã. Anh nhận, xong tôi nói thêm là bé làm dơ chính mình là chuyện hết sức bình thường và tự nhiên, vì bé chưa đủ tri thức để biết hơn. Người lớn không hề thấy có gì sai quấy với việc em bé mười tháng bò trên sàn, bốc thức ăn của chó bỏ vào miệng, la khóc khi nó muốn chuyện chi v.v.
Đứa trẻ ba tuổi nghĩ ba nó là người vĩ đại nhất và khôn ngoan nhất chưa từng có, và phố nhà nó là cả thế giới. Cái nhìn của em bị giới hạn, và chúng ta biết rằng khi đứa trẻ lớn dần nó sẽ biết ra sự thực. Rồi lúc được bốn tuổi, bé vẽ con ngựa nhưng trông lại giống con heo hơn, bố mẹ khôn ngoan sẽ khen em, ngắm nghía bức vẽ kỹ càng sẽ công nhận rằng đó quả là con ngựa vẽ đẹp.
Ý của chuyện là đứa trẻ bốn tuổi có thể không đủ sức vẽ con ngựa giống thật, nhưng nếu nó cố gắng vẽ một con ngựa, tin rằng mình đã vẽ được con ngựa, thì quả thật nó đã làm được vậy. Bé đã làm hết sức mình, trong vòng khả năng của nó và theo sự hiểu biết về thực tại của trẻ. Như vậy là em đúng.
Theo y cách đó, tôi tin là quan niệm của chúng ta về Thượng đế và chuyện tinh thần không bao giờ đúng hay sai, mà chỉ là bằng cớ về một giai đoạn phát triển. Giống như trẻ con, chúng ta tin rằng Thượng đế là đấng cha lành, vị đầy quyền uy ngồi trên ngai xét xử thiện ác, và như vậy đúng, vì lúc trẻ thơ - trẻ thơ thể chất lẫn tinh thần -  chúng ta có sự hiểu biết hạn hẹp. Khi lớn lên, cái nhìn về sự đời của ta rộng rãi hơn và quan niệm của ta về Thượng đế thay đổi, mà chuyện phải vậy. Rồi khi chúng ta không nghĩ gì về Thượng đế, thái độ ấy cũng đúng, vì nếu Thượng đế là chuyện không thể tưởng tượng được thì không ai có thể tưởng tượng ngài là cái gì, còn ai cho là mình đã tìm được ngài là thực ra đã mất ngài. Nhận thức của mỗi chúng ta về Thượng đế cùng mục đích của cuộc đời, thì dựa trên kinh nghiệm riêng và hiểu biết của mỗi cá nhân, và vì thế đúng đắn. Không ai có chân lý tuyệt đối, nhưng ai cũng có một phần sự thực.
Rắc rối xảy ra khi có người bắt đầu hành động theo niềm tin của mình ở giai đoạn phát triển chưa đầy đủ, và chúng ta thấy điều này rõ ràng khi tranh luận bằng lời nói biến thành bạo động vũ lực. Tôi còn nhớ thật sống động thuở mới lớn trong thập niên 1950, làm điều xã hội cho là sai thì không khác nào là phạm tội ghê gớm. Tin Lành trái, vậy người Công giáo La Mã như chúng tôi phải tránh xa. Ai ly dị là sai và cũng không được gần họ. Nhóm nào có quan điểm khác với nhóm có ưu thế là nhóm đó trật. Không hề có điểm giữa, chỉ có phải hay trái và chúng tôi được dạy từ hồi nhỏ, hoặc kín đáo hoặc thẳng thừng, là không giao thiệp với người làm bậy. Thay vì chấp nhận người khác với bất cứ quan điểm nào mà họ có, chúng tôi xác định là họ sai. Hậu quả của lối phán xét như vậy có thể tàn hại, như chúng ta đã chứng kiến trong nước mình và quanh thế giới. Có lẽ cái tệ nhất của việc ghét bỏ về tôn giáo hay chủng tộc là khi tin rằng mình đúng, chúng ta ngưng đi tìm sự thực, tức đóng tâm hồn mình khỏi kiến thức rộng hơn và hiểu biết sâu hơn. Hệ thống tin tưởng của chúng ta bị còi cọc, nhưng ta hành xử dựa vào nó, lắm khi sinh ra hậu quả đáng sợ.
Sự tăng trưởng bị thui chột còn làm chúng ta cách xa chính mình, gây cảm giác có tội và xấu hổ sau khi làm sai, vì chúng ta liên kết sai sót với tội lỗi hiểu theo nghĩa trách móc nặng nề, thay vì xem nó như là kết quả của sự phát triển chưa hoàn bị, điều mà có thể giải quyết bằng nỗ lực và quyết tâm. Không đứa bé một tuổi mạnh khỏe nào ngừng tập đi, cho dù bị té, bị trầy, bị đau. Không ai là không tiến đến mức toàn thiện khi có ý chí và lòng ước muốn, cho dù chưa đủ sức, chưa hội đủ điều kiện, và chịu nỗi đau đớn từ đó mà ra.
Khoảng vô thỉ vô chung được dùng để theo đuổi việc hoàn thiện trong nhiều khía cạnh: tình thương hoàn toàn, lòng từ trọn vẹn, kiến thức tuyệt hảo. Phải mất bao kiếp mới được vậy, và mỗi chúng ta thực hiện việc theo cách riêng, theo mức đi mau chậm của mình. Có nhiều yếu tố can dự vào việc tạo nên con người của ta, tính di truyền, văn hóa xã hội ta sinh ra, tôn giáo, học vấn, và kinh nghiệm những kiếp trước chất chứa bao điều ngoài trí tưởng tượng của mình. Ngay cả những ai không tin thuyết luân hồi vẫn phải nhìn nhận rằng, những yếu tố trong một kiếp cũng đủ khiến mỗi người có cái nhìn hoàn toàn khác nhau, về cuộc đời và thân phận con người. Việc không hợp lý khi nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng có thể biết được trọn sự thực, hay bất cứ một nhóm nào cũng sở hữu được nó, và rồi tất cả ai khác hay nhóm khác nghĩ không giống vậy là họ sai.
Mọi sự sống đều thiêng liêng, dù còn sơ khai thế mấy đi nữa. Nếu chúng ta hiểu rằng làm người là tiến trình nẩy nở để trở thành, và nếu ta coi nó là diễn trình phát triển thay vì đã xong hay chưa xong, trúng hay sai, thì ta trở nên khoan dung hơn với người khác, bất kể mức phát triển của họ. Chúng ta không nên la rầy một ai đã không đạt được tiêu chuẩn của mình. Ta cũng có thêm khoan dung và kiên nhẫn với khuyết điểm của chính ta, và nhờ không có hậu quả tai hại như xấu hổ, cảm giác tội lỗi, đáng bị trách mắng vì đã sai, chúng ta sẽ tiến bộ mau lẹ hơn tới đích toàn thiện.

Trích:
Rita Traut Kabeto                                                                     
The Quest (Autumn 1994)